Thứ Tư, 3 tháng 1, 2018

Phương pháp học giỏi môn tin học Pascal

Vì sao môn Pascal lại khó
Theo thói quen của nhiều em học sinh, học môn tin là học những thao tác sử dụng như cách sử dụng internet, sử dụng hệ điều hành window, chương trình soạn thảo văn bản MS Word, chương trình soạn thảo trình diễn MS PowerPoint … Đây là những phần học không cần đòi hỏi tư duy, mà chỉ cần học kĩ và nhớ thao tác, thực hành nhiều lần thì sẽ thành  thạo.
Nhưng khi học bộ môn lập trình Passal chương trình lớp 8 ở THCS thì hầu như các em bị “choáng” vì bộ môn rất “mới”, và cách học cũng “mới”. Học những thao tác và thực hành nhiều không còn tác dụng, học thuộc bài cũng không còn ổn nữa. Lúc này các em cần phải học cách tư duy logic, tìm thuật toán, và viết những dòng lệnh máy tính chính xác đến từng đấu chấm, dấu phẩy.
Với tâm lí thông thường các em học sinh coi tin học là môn phụ không quan trọng nên nhiều em chủ quan không dành đủ thời gian để học nên không hiểu bài và dần bị mất căn bản. Đây cũng là lí do mà nhiều em bị điểm kém, thậm chí là thi lại, học lại bộ môn tin học mặc dù có thể các em học rất giỏi các môn học khác.
Tại sao lại học Pascal
Pascal là một ngôn ngữ lập trình cấp cao do Niklaus Wirth, giáo sư điện toán trường đại học Kỹ thuật Zurich (Thụy sĩ) thiết kế và công bố vào năm 1971 và đặt tên là Pascal để tưởng niệm nhà Toán học và Triết học nổi tiếng Blaise Pascal. Đây là một ngôn ngữ lập trình có cấu trúc đơn giản, rõ ràng, cấu trúc chặt chẽ, dễ viết, dễ hiểu cũng như dễ sửa chữa, cải tiến.  Do đó Pascal được nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam đưa vào chương trình giảng dạy tin học ở các trường phổ thông và đại học như một môn học cơ sở, đại cương.

Ở trường THCS chúng ta không chú trọng học chuyên sâu về ngôn ngữ lập trình để tạo ra các phần mềm máy tính mà tập trung rèn luyện kĩ năng tư duy logic, tư duy hệ thống và sáng tạo không chỉ để giải quyết những vấn đề trong tin học mà đây còn là những kĩ năng vô cùng quan trọng để giải quyết nhiều vấn đề trong cuộc sống.
Học Pascal giúp cho ta hiểu được cách làm việc của máy tính, cách giao tiếp để ra lệnh cho máy tính làm việc theo sự điều khiển của con người thông qua ngôn ngữ lập trình. Các em có thể tạo ra các chương trình thú vị bằng cách sử dụng các câu lệnh Pascal. Cũng giống như những môn học khác như toán học, vật lý, hóa học … khi các em đã thực sự hiểu và yêu thích bộ môn tin học các em sẽ tìm thấy nhiều niềm vui, sự đam mê khi tìm hiểu và khám phá những điều mới mẻ nhưng đầy hấp dẫn trong bộ môn tưởng chừng như khô khan này.
Đừng sợ cú pháp các câu lệnh
Một số cú pháp và cấu trúc cần học và nhớ, nếu cần thêm có thể tham khảo ở các tài liệu, nhưng chỉ cần chừng này từ khóa thôi là đủ để viết hầu hết các bài tập pascal rồi.
Một số hàm thường dùng:
ClrScr: lệnh xóa màn hình;
Write, Writeln: ghi ra màn hình
Read, readln: đọc giá trị vào biến
Các phép toán thường dùng:
Phép cộng (+); Phép trừ (-); Phép nhân (*); phép chia (/);
Phép chia lấy phần nguyên (div); phép chia lấy phần dư(mod); Phép gán (:=),
Các phép toán: phép so sánh (=, <, >) và các phép toán logic: AND, OR, XOR, NOT.
Một số kiểu dữ liệu thường dùng: Interger, real, string, char, array, Boolean …
Các câu lệnh sử dụng thường xuyên
             + Lệnh ghép :    BEGIN .. END
             + Lệnh chọn  :    IF .. THEN .. ELSE
                                       CASE .. OF .
             + Lệnh lặp     :    FOR .. TO .. DO
                                       REPEAT .. UNTIL
                                       WHILE .. DO
Chúng ta thấy rằng cũng không có quá nhiều cấu trúc và cú pháp cần phải nhớ đúng không nào.
Gặp những lỗi về cú pháp thì rất dễ sửa, chương trình biên dịch Pascal sẽ báo cho ta chính xác lỗi gì? ở đâu? khi chúng ta chạy chương trình. Cho nên các em không nên tập trung nhiều vào cú pháp ngôn ngữ lập trình mà tập trung nhiều vào tìm thuật toán, tức là tìm tuần tự các bước để giải bài toán. Vì khi chúng ta đã tìm ra được thuật toán rồi thì việc chuyển nó thành chương trình máy tính sẽ không còn gì khó khăn nữa.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét